fbpx

Trẻ sơ sinh và những thay đổi trong 12 tháng đầu đời

Ba mẹ ơi! Khi ba mẹ đọc được bài viết này, có lẽ gia đình của mình đã chào đón thêm một thành viên mới rồi phải không? Chúc mừng bé yêu ra đời sau bao ngày chờ đợi. Là ba mẹ, ai cũng muốn được tận mắt thấy hành trình lớn khôn mỗi ngày của bé con. Đặc biệt là giai đoạn trẻ sơ sinh từ 0-1 tuổi là giai đoạn có nhiều cột mốc phát triển quan trọng vì nó giúp bé hoàn thiện những kỹ năng cơ bản cần thiết cho bé. Không biết là ba mẹ đã trang bị cho mình những kiến thức về trẻ sơ sinh cho bé con của mình trong 1 năm đầu đời chưa? Nếu chưa thì hãy cùng Fairy Thôi Nôi xem “Trẻ sơ sinh và những thay đổi trong 12 tháng đầu đời” để không bỏ lỡ những giây phút đặc biệt này của bé con nha!

1 tháng tuổi

Trẻ ở giai đoạn này rất ngây thơ, hoàn toàn là một tờ giấy trắng tinh và đây cũng là lí do khiến bé rất nhạy cảm với mọi thứ ở xung quanh. Bé dễ bị giật mình và thường ngủ những giấc ngắn khiến ba mẹ vô cùng lo lắng. Ba mẹ có thể giúp bé ngủ ngon hơn bằng cách sử dụng rèm tối, những bản nhạc nhẹ với âm lượng nhỏ để dễ dỗ bé vào giấc ngủ. “Nhiệm vụ” của bé con ở tháng đầu tiên này chỉ là ăn và ngủ thật nhiều và khi bé thức giấc, ba mẹ sẽ rất bất ngờ khi thấy bé có thể xoay đầu sang bên và nhận ra được giọng nói cũng như mùi hương của mẹ.

2 tháng tuổi

Bé con 2 tháng tuổi đã cứng cáp hơn rất nhiều so với lúc mới sinh. Con cũng bắt đầu biết cách phản ứng lại với những tác động bên ngoài vì lúc này trí não của con đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ba mẹ cũng có thể nghe được những âm thanh phát ra trong miệng con và bé còn có thể tạo ra những âm thanh vui nhộn và phấn khích, đá chân và huơ tay liên tục. Ba mẹ có thể khuyến khích bé phát triển trí não bằng những đồ chơi nhiều màu sắc với chất liệu, hình dạng an toàn cho bé để tập cho bé về mặt thị giác và xúc giác. Ngoài ra, nói chuyện với bé và đọc truyện cho bé nghe có thể giúp bé phát triển khả năng ngôn ngữ. Nhu cầu ăn của trẻ trong giai đoạn này sẽ thay đổi liên tục và khác nhau tuỳ theo số cân nặng của con nên ba mẹ nên chú ý theo dõi để sức khoẻ của bé luôn được đảm bảo nha!

3 tháng tuổi

Đây là mốc thời gian đầu tiên mà gia đình mong đợi vì ông bà ta thường có câu “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò biết đi” mà. Ba mẹ cũng đừng lo lắng khi bé nhà mình tới tuổi rồi nhưng vẫn chưa lẫy được nha vì có nhiều bé lại không tuân theo quy luật này mà có thể chậm hơn các bạn cùng trang lứa khác, ba mẹ có thể tập luyện cho bé bằng cách cho con tập nằm sấp để cổ và cơ tay của con chắc chắn hơn. Vì đây là giai đoạn bé học được kỹ năng mới nên có thể sẽ xuất hiện hiện tượng biếng ăn. Ba mẹ không nên ép con ăn mà hãy kiên nhẫn và tôn trọng nhu cầu của bé. Ở giai đoạn này bé cũng đã bắt đầu nhận thức được những người thân quen với bé nên ba mẹ và gia đình đừng quên thể hiện tình cảm với con qua những cái ôm, nụ hôn nhé!

Xem thêm: Bé sơ sinh 1 tuần tuổi và các thắc mắc xung quanh bé

4 tháng tuổi

Khi bé được 4 tháng tuổi, giấc ngủ có thể sẽ thay đổi so với những tháng trước đó là bé sẽ ngủ giấc dài hơn vì bé không còn bị cơn đói đánh thức nhiều lần nữa. Ba mẹ đừng lo lắng khi cân nặng của bé tăng chậm hơn trước vì đó là điều hoàn toàn bình thường nha! 4 tháng tuổi, bé đã biết lật thuần thục và đang cố gắng học ngồi dậy. Ba mẹ cũng đừng ngạc nhiên khi thấy bé yêu bắt chước theo một số hành động đơn giản của mọi người nhé!

5 tháng tuổi

Vào giai đoạn này, bé sẽ khiến bố mẹ ngạc nhiên khi bắt đầu biết cách thu hút sự chú ý của mọi người bằng cách nói ê a và mỉm cười khi có ai đó nói chuyện cùng. Các cô cậu nhóc ở giai đoạn này có khả năng nhận biết nhanh hơn vì vậy ba mẹ nên dành thời gian để nói chuyện, chơi đùa cùng và giúp bé phát triển đúng cách. 

6 tháng tuổi

WHO khuyến cáo ba mẹ nên cho bé con ở giai đoạn 6 tháng tuổi tập ăn dặm. Thế nhưng không phải cứ trẻ nào tới 6 tháng tuổi đều bắt buộc ăn dặm mà ba mẹ còn nên để ý đến một số dấu hiệu của bé như cổ đủ cứng để giữ thẳng đầu, có hứng thú với đồ ăn,… để biết bé đã sẵn sàng cho một bữa ăn dặm chưa nhé! Và một lưu ý nhỏ cho ba mẹ đó là đừng nên cho bé ăn khi bé đang nằm vì dễ khiến bé bị sặc, gây nguy hiểm cho bé. Nên cho bé ăn khi bé đã có thể ngồi vững và giữ thẳng cổ khi ngồi trên ghế ăn dặm. Mục đích của việc cho trẻ ăn dặm này là để bé học cách nuốt thức ăn chứ không phải để bé tăng cân nhanh nên ba mẹ đừng nên quá coi trọng vấn đề tăng cân và lượng ăn của bé nha.

virus-corona-tre-em-tre-nho

7 tháng tuổi

Bé 7 tháng tuổi nhà bạn giờ đã nhạy cảm hơn và bắt đầu tò mò muốn khám phá thế giới xung quanh. Ba mẹ nên học cách nói “không” với bé nếu bé vòi chơi với những vật dụng không an toàn. Bé cũng có thể cảm thấy buồn và lo âu khi rời vòng tay của những người thân quen và đã biết phân biệt cảm xúc thông qua giọng nói, ngữ điệu. 

8 tháng tuổi

Nếu bé con nhà bạn phát triển đúng theo lời ông bà nói thì ở giai đoạn bé con 8 tháng tuổi này bé đã bắt đầu tập bò rồi đấy. Có thể bé bò chưa được vững chắc nhưng việc có thể tự di chuyển theo ý mình cũng khiến bé rất hào hứng. Ba mẹ nên chú ý đảm bảo an toàn cho bé bằng cách chắn các lối đi, cầu thang, những vật sắc nhọn xung quanh và vệ sinh sàn nhà sạch sẽ, tránh để các đồ vật nguy hiểm trong tầm với của bé.

Xem thêm: Trẻ sơ sinh khóc đêm nhiều, ba mẹ có nên lo hay không?

9 tháng tuổi

Nhiều bé 9 tháng tuổi vẫn chưa biết bò và có những cách di chuyển của riêng mình, đó là do mỗi bé có mỗi tốc độ phát triển khác nhau, kể cả là anh chị em ruột trong nhà cũng không giống nhau. Một số bé phát triển nhanh đã có thể đứng vững trong vài giây mà không cần đỡ. Bé con cũng đã có thể phát âm được những âm tiết đơn giản bằng cách bắt chước người lớn và tạo ra nhiều âm thanh khác nhau. Và ba mẹ biết không, cách dạy trẻ 9 tháng tuổi cũng là yếu tố lớn gây ảnh hưởng đến tốc độ phát triển của bé con đấy. Nếu ba mẹ dạy con tập bò, tập đứng, tập nói đúng cách thì chắc chắn bé sẽ hoàn thiện những kỹ năng ấy nhanh hơn.

10 tháng tuổi

Khi bé được 10 tháng tuổi, ngoài việc dạy bé các kỹ năng vận động mà bé đang dần hoàn thiện như bò, ngồi, đứng,… thì việc tập cho bé nói và hiểu được một số từ đơn giản cũng nên được rèn luyện dần. Ba mẹ sẽ hướng dẫn bé phát âm từ những từ đơn giản nhất có vần “a” như ba, má, bà,… rồi dần dần tăng độ khó lên. Giai đoạn này bé cũng đã có thể tự đi được vài bước không cần đỡ nhưng chủ yếu bé thích đi lòng vòng khắp nhà bằng cách bám víu vào các đồ vật xung quanh. Bé con còn biết đòi bế bằng cách đưa hai tay ra. Ba mẹ nên để ý đến chế độ dinh dưỡng của con để giúp bé phát triển chiều cao và xương khớp tốt nhất.

11 tháng tuổi

Bé 11 tháng tuổi đang ở độ tuổi khám phá thế giới mạnh mẽ nên việc ăn, ngủ của bé cũng sẽ bị ảnh hưởng phần nào. Có thể đang ngồi ăn thì bé sẽ bị những vật xung quanh gây phân tâm và đòi ra ngoài để chơi hoặc những sự việc xảy ra vào ban ngày gây kích thích lớn cho bé khiến bé khó ngủ vào buổi tối. Thế nên ba mẹ nên đề ra và áp dụng kỷ luật bàn ăn khi trẻ ăn và các phương pháp trấn an để bé dễ ngủ hơn. Bé còn có thể cầm đồ vật đưa cho bạn, đặc biệt là khi bạn yêu cầu bé. Điều này chứng tỏ cục cưng nhà bạn đã có thể làm theo những chỉ dẫn đơn giản rồi đấy. 

12 tháng tuổi

Khi bé 12 tháng tuổi, bé chưa đi vững mà chỉ mới có thể bước men theo ghế dài hoặc giường. Ba mẹ có thể giúp bé bằng cách cổ vũ, động viên bé để bé có thể tự bước đi mà không cần sự hỗ trợ. Vào giai đoạn này, bé đã bắt đầu nhận thức được rất nhiều nên ba mẹ có thể dạy bé cách nói cảm ơn, xin lỗi và tự cất đồ dùng vào đúng nơi quy định để tạo cho bé tính gọn gàng, kỷ luật. Nếu được, ba mẹ có thể cho bé dùng bữa cùng với gia đình để giúp bé làm quen với không khí ăn uống trong nhà. Và một điểm cần lưu ý cho ba mẹ khi chăm sóc trẻ ở giai đoạn này đó là về thực đơn. Thực đơn cho bé 12 tháng tuổi nên cân đối, đầy đủ 4 nhóm chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin. Ba mẹ cũng có thể giúp bé đỡ nhàm chán với việc ăn rau bằng cách cho bé ăn bổ sung thêm hoa quả vào bữa ăn, vừa lạ miệng vừa giúp bé có đầy đủ chất.

Và trải qua 12 tháng đầu đời, bé con đã trở thành một em bé “có tuổi” rồi, ba mẹ đã có thể lên kế hoạch tổ chức một bữa thôi nôi mừng sinh nhật lần đầu tiên thật vui vẻ với nhiều kỷ niệm khó quên cho bé. Chúc bé con của bạn mau ăn chóng lớn, khoẻ mạnh và luôn được mọi người thương yêu!

 

Tư vấn miễn phí
>